21 Tháng Tư, 2023
Tiếng Đức Demas

Một số kinh nghiệm học tập tại Đức

Lên lịch và quản lý tốt thời gian

Một ngày 24 tiếng, ai cũng thế, không ai có nhiều hơn hay ít hơn cả. Ai cũng là người, nên ngoài việc học hành, ai cũng phải ngủ, ăn, tắm giặt vệ sinh, giải trí, đi làm thêm v.v. Việc cân đối thời gian cho các nhu cầu cá nhân khác nhau là rất quan trọng. Tùy vào từng giai đoạn, các bạn cần phải xác định xem nhu cầu nào cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Nếu việc học thực sự quan trọng với bạn, hãy dành nhiều thời gian cho nó.

Bạn nào không chịu học mà sau này thi trượt thì cũng đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác. Mặc dù thời gian bạn đầu tư cho việc học không tỉ lệ thuận với kết quả bạn sẽ đạt được, nhưng nếu không đầu tư gì thì bạn cũng không thể nhận lại được gì cả.

Ngoài ra, các bạn hãy chịu khó tìm hiểu trước Studienverlaufsplan và Modulhandbuch của ngành mình học xem 1 kỳ mình phải học bao nhiêu môn và môn nào nên học vào kỳ nào để lên lịch càng sớm càng tốt. Cá nhân mình thường cố gắng dồn các môn học và sắp xếp học nhiều môn vào 1 ngày hoặc 1 buổi (sáng/chiều) nhất có thể để dư ra một ngày/một buổi rảnh rỗi, thời gian rảnh này mình có thể xếp lịch đi làm hoặc đi chơi. Một điều nữa các bạn nên đặc biệt chú ý tới là các hạn đăng ký môn học (Lehrveranstaltungsanmeldephasen) và hạn đăng kí thi (Prüfungsanmeldephasen).

Tin tưởng vào bản thân

Nhiều bạn thường có tâm lý sợ hãi nên chỉ đăng ký học một vài môn và nghĩ rằng mình sẽ dành nhiều thời gian học hơn cho 1 môn, sẽ hiểu bài hơn và khi thi kết quả sẽ tốt hơn. Thực tế thì mình thấy phần lớn các bạn ấy thậm chí còn ít dành thời gian cho việc học hơn so với các bạn học hết tất cả các môn theo Studienverlaufsplan, không hiểu bài hơn là bao, đi thi trượt nhiều và kết quả cũng không mấy khả quan.

Nhiều bạn khác thì tốn vài kỳ bồi hồi ở mấy môn cơ sở, muốn học chậm để thi tốt mà thi 3 lần vẫn không qua và phải chuyển sang ngành khác. Học ngành mới các bạn lại tốn tiếp vài kỳ nữa “để thi tốt” rồi dừng chân vì không qua mấy môn đầu tiên. Chuyển sang một ngành khác nữa rồi lại tiếp tục sợ hãi thi không qua. Đừng để mình rơi vào vòng luẩn quẩn ấy một phần vì lười, một phần vì thiếu niềm tin vào bản thân.

Lúc đầu vào học các bạn thường sốc vì thấy không hiểu tí gì. Thật ra thì điều này hoàn toàn bình thường và không chỉ sinh viên nước ngoài mới thấy vậy. Bạn cứ nhớ lại thời còn đi học ở VN thì sẽ thấy hồi trước không phải cái gì mình cũng hiểu, mặc dù tất cả đều được giảng bằng tiếng Việt. Ngôn ngữ là một rào cản lớn đối với sinh viên nước ngoài học tại Đức nhưng nó không có nghĩa là bạn không thể hiểu bài. Đơn giản là bạn cần nhiều thời gian hơn để hiểu! Nếu sinh viên Đức mất 1 tiếng để hiểu bài học thì bạn có thể phải mất gấp đôi, gấp ba thời gian đó. Ban đầu bạn chưa quen thì sẽ mất nhiều thời gian để tra từ mới và đọc hiểu hơn, sau này khi đã quen, bạn có thể đọc hiểu nhanh hơn rất nhiều và rút ngắn thời gian học. Vì thế nếu bạn đủ chăm chỉ, đủ nỗ lực thì bạn cũng sẽ học tốt và mình khuyên các bạn nên chăm ngay từ đầu. Việc chăm chỉ này sẽ giúp bạn giảm hẳn áp lực thi cử sau này. Nếu bạn nào muốn nước đến cổ mới bơi thì hãy chuẩn bị luôn tâm lý có thể đuối sức, chết đuối.

Học hiệu quả, nghiêm túc

Ở đây mình khuyên các bạn hãy chăm chỉ một cách hiệu quả. Nếu ngồi vào bàn học 1 tiếng, hãy học ít nhất 45 phút. Nếu ngồi vào bàn học 2 tiếng, hãy học ít nhất 1 tiếng 30 phút. Bạn chỉ thực sự chăm chỉ khi ngồi vào bàn học N tiếng và học thật sự cả N tiếng đó. Đừng ngồi vào bàn cả ngày rồi dành toàn bộ thời gian đó để lướt FB, chat chit, xem phim v.v.

Tuy nhiên mình cũng không khuyên các bạn ngày nào cũng bế quan luyện công và ngày nào cũng ngồi học mặc kệ sự đời. Thỉnh thoảng các bạn cũng nên ra ngoài đi dạo hoặc gặp gỡ người khác cho thư thái đầu óc. Cá nhân mình cũng chưa bao giờ vì học hay vì ôn thi mà khóa FB, không lên mạng, không xem TV hoặc không đi chơi. Sức tập trung của mỗi người là có hạn, hãy cố tập trung học khoảng 1 tiếng, nghỉ một chút rồi lại học tiếp, như thế hiệu quả sẽ cao hơn.

Thỉnh thoảng có bạn sốt ruột vì kỳ thi sắp đến, rủ mình cùng ôn thi trên thư viện nhưng hẹn nhau xong các bạn ấy lại đến rất muộn, cũng không chịu tập trung học bài mà chỉ ngồi nói chuyện phiếm hoặc lướt điện thoại. Nhiều bạn còn không chịu chuẩn bị bài hay đọc trước xem chỗ nào mình chưa hiểu và thường hay giấu dốt. Nếu mình có hỏi đọc bài chưa thì các bạn ấy sẽ bảo đọc rồi nhưng hỏi cái này ở đâu thì không biết hoặc nếu mình hỏi đã hiểu bài chưa thì luôn bảo hiểu rồi nhưng khi mình đặt câu hỏi lại không trả lời được. Tất nhiên mình không có ý (và cũng chẳng thể nào) bắt người khác phải đến chuẩn giờ 100%, không được phép nói chuyện phiếm hay chơi một chút hoặc là phải nhớ tất cả mọi bài khóa vì chính bản thân mình cũng không làm được điều đó. Mình chỉ mong các bạn nghiêm túc hơn, đừng tốn thời gian vô ích và đừng làm quá vấn đề lên.

Các bạn có thể than thở thoải mái nhưng hãy là người thuộc hành động phái. Nếu sợ trượt hãy học đi!

Tìm phương pháp học phù hợp với mình

Các bạn thường hay hỏi đâu là phương pháp học môn này, ngành này tốt nhất. Câu trả lời là: phương pháp nào cũng tốt nhưng không phải phương pháp nào cũng phù hợp với bạn!  Thế nên thay vì hỏi câu vừa rồi, bạn hãy đi tìm phương pháp học thích hợp nhất cho mình.

Hãy thử học bằng nhiều phương pháp khác nhau xem cái nào hiệu quả với bạn hơn. Cá nhân mình học bằng việc đọc và quan sát hiệu quả hơn hẳn qua nghe giảng, vì thế việc tự học, tự mày mò đọc sách tốt hơn việc đến lớp nghe giảng hoặc nghe người khác giảng cho nhiều. Trên mạng có vô vàn bài test cho phép bạn kiểm tra xem cách học của mình (learning styles) thiên hướng nào, các bạn có thể làm thử một chút. Ngoài ra các bạn cũng nên thử xem thời gian học hiệu quả nhất với mình là lúc nào (buổi sáng hay buổi tối), địa điểm giúp bạn tập trung nhất là ở đâu (ở nhà hay ở thư viện), bạn thích học một mình hay với nhiều người khác.

Học cách tìm kiếm, mở rộng, quản lý thông tin

Thời đại công nghệ thông tin, Google vạn năng, Wiki vạn năng. Với từ khóa thích hợp, bạn có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu sách báo, bài viết khoa học về chủ đề mình cần. Tuy nhiên mình khuyên các bạn đừng đem Wiki vào làm nguồn trích dẫn trong bài viết. Bạn chỉ nên sử dụng nó để hiểu qua vấn đề và tham khảo phần References/Literatur làm gợi ý tìm tài liệu và sách phục vụ bài viết của bạn.

Với từ khóa tìm kiếm thích hợp, bạn cũng có thể tìm sách trong thư viện của trường, của thành phố. Khi tìm thấy 1-2 tài liệu, bạn có thể sử dụng tiếp phần Literatur của nó để tìm tài liệu mới. Việc mở rộng nguồn tài liệu này giống như một quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn. Nên lưu ý rằng, 1 khái niệm hay hiện tượng có thể có nhiều thuật ngữ khác nhau. Khi đã tìm thấy kha khá tài liệu tiềm năng, bạn nên kiểm tra xem nó có cần thiết cho bài viết không bằng cách tra phần thuật ngữ dùng trong sách, xem mục lục hoặc lướt qua 1 số chương về chủ đề đó. Không phải sách nào bạn cũng cần và đôi khi 1 quyển sách bạn chỉ cần sử dụng một vài chương, một vài trang hoặc thậm chí chỉ một vài dòng hay một vài từ mà thôi. Cũng đừng lo rằng việc lướt qua có thể khiến bạn bỏ lỡ 1 cuốn sách hữu ích vì thường bạn luôn có thể tìm được hàng tá quyển khác.

Xác định rõ mục tiêu của mình và nỗ lực để đạt được nó

Nếu bạn cảm thấy mình không phù hợp với con đường học hành cho lắm, hãy xác định thật sớm một con đường khác. Đừng để mất nhiều thời gian một cách vô ích và cũng đừng vì sĩ diện mà cố đâm theo một hướng dẫn bạn vào ngõ cụt.

Bạn nào nếu đã xác định đi theo con đường học hành thì hãy cố học cho tốt. Trong trường hợp bạn học mà không có đam mê gì thì hãy xác định thêm cho mình mục đích học khác. Đôi khi bạn sẽ thấy không có động lực để học tiếp đến cùng, nhưng đừng quên mình học không phải vì đam mê mà có khi chỉ vì một tấm bằng chẳng hạn. Còn nếu có đam mê rồi thì bạn cũng phải xác định xem mình có đủ năng lực để theo học ngành này hay không, chứ đừng theo đuổi một cách mù quáng.

Làm quen với áp lực

Sống xa gia đình, phải tự lo mọi thứ từ A-Z, nhiều bạn còn phải vất vả kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhiều khi bạn sẽ cảm thấy tất cả mọi gánh nặng đều đổ dồn lên mình và cảm thấy mệt mỏi chán nản, đặc biệt là khi ốm đau hay nhiều việc không mấy suôn sẻ đều đến cùng một lúc. Hãy chuẩn bị tâm lý rằng bạn sẽ gặp áp lực từ nhiều phía trong cuộc sống và học cách giải tỏa đầu óc. Có khi chỉ cần ngủ một giấc đã đời, ăn một bữa ngon, xem một chương trình hài, mua một món đồ nho nhỏ hoặc gọi điện than thở cùng bạn bè, người thân cũng giúp bạn giải tỏa rất nhiều. Giấu tất cả mọi thứ trong lòng cũng không phải là một cách hay.

Trên đây là một số chia sẻ của cá nhân mình về quá trình học tập tại Đức nên chỉ mang tính chất tham khảo :D. Mong rằng bài viết có thể gợi ý cho các bạn một vài điều hữu ích. Chúc các bạn học tập tốt, gặt hái được nhiều thành công và vững bước trên con đường mình đã lựa chọn!

ThS. Minh Giang, Đồng sáng lập & giáo viên Demas
Chia sẻ bài viết